'Sài Gòn của mình đợt này bệnh hơi lâu', bạn đọc Phương Huyền đã sẻ chia như thế trong bài viết dự thi Vượt qua Covid-19 trên Báo Thanh Niên mà tôi từng đọc.
Thanh niên tình nguyện tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM ẢNH: LÊ THANH
Trong những ngày qua, người ở Sài Gòn - TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đều thầm mong cho thành phố sớm vượt qua đại dịch, trở lại nhịp sống bình thường. Ai cũng gửi gắm kỳ vọng “thành phố sẽ sớm vui lại thôi”.
Mong sẽ sớm mai sum vầy
Trong tâm trí nhiều người, TP.HCM luôn là nơi chốn đông vui, sầm uất. Người người khắp nơi hội tụ về. Mỗi phố phường, mỗi con đường, mỗi ngõ hẻm dường như in dấu chân của người khắp mọi miền. Tất cả cùng lao động cật lực, cùng gắn bó qua từng ngày tháng mưu sinh…
Là trung tâm giao thương, đầu tàu kinh tế của cả nước, thật khó ai có thể hình dung được có lúc nơi này “...đã ngủ im rồi/Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người/ Sài Gòn tôi đã vết thương rã rời/Phố to, phố nhỏ đang hụt hơi...” (trích lời bài hát Sài Gòn tôi sẽ của thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương đang được rất nhiều người yêu thích, chia sẻ). “Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi…”, bất khả kháng trong một tình huống dịch bệnh. Tình huống đó, tôi nghĩ, cũng bất khả kháng.
Khi viết những dòng này, tôi lại dấy lên điều ước mong “Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy”. Và khi nơi này “đang bệnh”, tôi đã thấy bao sự hy sinh, rất đời, rất người, dẫu ai cũng có cái khó cái khổ riêng, đều lắm âu lo trong chồng chất bộn bề khó khăn. Cơ cấu kinh tế của thành phố có đến khoảng 60% là dịch vụ, thương mại. Hàng triệu người đã sống nhờ vào đó, trong sự vận động cơ học của cả một đô thị lớn, từ công ăn việc làm, đến thu nhập, mưu sinh hằng ngày. Nhưng khi dịch bệnh Covid-19 đợt 4 bùng lên, từ 27.4 đến nay, hầu hết cơ sở kinh doanh dịch vụ đều tạm dừng để cùng phòng chống dịch. Hàng quán tạm đóng cửa, tiệm cắt tóc, cà phê, trà sữa, bánh mì, hủ tiếu... dừng hoạt động. Những phận người mưu sinh nương nhờ hè phố “cũng mất hẳn không gian”. Tất cả như đang “trú ẩn” đâu đó, cầm cự, chấp hành theo những yêu cầu về giãn cách, phòng chống dịch.
Đó là một sự hy sinh, hy sinh không gian mưu sinh, hy sinh khi đã chịu những tổn thất về kinh tế cá nhân, rất nhiều và rất lớn. Tôi nghĩ những sự hy sinh ấy, tất cả cũng chỉ cùng mong mỏi “Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy”, để làm lại, tạo lại sức sống cho cả thành phố.
Đồng lòng để thêm đoàn kết, nguồn lực, tinh thần và sức mạnh
Từ quê nhà miền Trung vào nơi này làm việc, sinh sống 10 năm qua, tôi có nhiều dịp rưng rưng trước những nghĩa tình, bao dung nơi thành phố này trong cuộc sống thường nhật. Trong cơn “bão dịch”, Sài Gòn cũng đón nhận đủ đầy yêu thương. Người ở thành phố tìm cách thương nhau, với bao việc thiện nguyện, chia sẻ. Trên cả nước, các bạn trẻ, các em nhỏ gói ghém từng phần quà nhỏ gửi yêu thương tới Sài Gòn. Những bà mẹ quê ở Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Gia Lai và miền Tây… cần mẫn thu hái từng quả bí, trái bầu, mớ rau, chắt chiu những bịch đậu, thức khuya dậy sớm cùng kho cá, làm những hũ cà, hũ mắm, muối đậu… trao gửi yêu thương cho bà con thành phố. Hàng ngàn y bác sĩ, sinh viên tình nguyện đến cùng chống dịch… Tất cả đều đồng lòng, cùng chí hướng, giúp nhau, động viên nhau vượt qua bao khó khăn, âu lo vì dịch bệnh.
Trong cơn “bão dịch”, tôi cũng cảm nhận được sự nghĩa tình đến từ chính quyền thành phố, không chỉ đơn thuần là những lời kêu gọi, động viên. Nhận thấy dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thành phần, thành phố đã thực hiện chi ngay gói hỗ trợ 886 tỉ đồng cho lao động tự do, yếu thế, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thương nhân ở chợ... Và bây giờ, tiếp tục kế hoạch chi hỗ trợ cho thợ hồ, người giúp việc và những thành phần cần trợ giúp xã hội khác.
Rồi những bịch gạo, chai mắm, dầu ăn, bịch muối, đường, sữa, bó rau xanh… cũng được các đoàn thể, chính quyền cơ sở gửi tặng đến nhiều hoàn cảnh khó khăn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, ý nghĩa càng thêm lan tỏa khi có sự kịp thời ấy. Tôi nghĩ, thành phố nghĩa tình, sẽ có quyết sách nghĩa tình. Quyết sách nghĩa tình sẽ có xã hội, có cộng đồng, có cá nhân nghĩa tình cùng vun đắp để dòng chảy yêu thương không bao giờ dứt...
Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc dốc sức, dốc lực phòng chống dịch. Trong điều kiện chưa đủ đầy vắc xin, khả quan về kết quả đạt được ở mức bao quát nhất trong đặc thù của một thành phố đông dân nhất cả nước, thực tế có những tình huống phát sinh chưa thật sự được toàn vẹn. Nhiều nơi, nhiều người vẫn đang đối mặt bao gian lao, nguy nan, lo lắng, rất cần được tiếp tục tiếp sức thêm nữa, kịp thời hơn nữa, đủ đầy hơn nữa.
Hơn lúc nào hết, sự đồng lòng, chung sức lúc này lại cấp thiết đến như thế. Đồng lòng để thêm đoàn kết. Đồng lòng để có thêm nguồn lực. Đồng lòng để có thêm tinh thần, sức mạnh để cùng vượt qua, dập dịch cho bằng được. Bởi, cả một thành phố đầu tàu, không ai có thể ngờ, đã ròng rã 2 tháng giãn cách, tê liệt nhiều hoạt động. Những ngày tới, giãn cách xem như là triệt để, chỉ còn 5 lĩnh vực chính yếu nhất, nôm na là: y tế, chuyện ăn (nhu cầu thiết yếu), an ninh, công vụ, thông tin được hoạt động.
Tôi đọc thông tin trên Báo Thanh Niên, về việc thành phố vừa mới tổ chức một kỳ hội nghị trong đêm, tiếp tục xốc lại, tiếp tục huy động toàn hệ thống công vụ dốc sức toàn lực hơn nữa để dập dịch, đảm bảo an sinh, an ninh trật tự cho hơn 10 triệu người.
Nhìn ánh mắt ông Nguyễn Văn Nên (Bí thư Thành ủy TP.HCM) trong bức ảnh đăng trên Thanh Niên, đầy trăn trở và thao thức. Bao thứ âu lo, người đứng đầu gánh vác trọng trách lo cho cả thành phố, hẳn không thể nào thảnh thơi được. Ông cũng đã sẻ chia rất thật, về những cái chưa thể làm tốt hơn: “16 ngày qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng còn nhiều việc chưa làm được, có nhiều người chưa được cứu chữa. Đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp. Chúng tôi xin nhân dân lượng thứ”.
“Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng”
Từ 18 giờ ngày 26.7, theo lời kêu gọi của chính quyền thành phố về việc không ra đường, thêm một giai đoạn nữa, phố xá “đã ngủ im” trong trật tự, tuân thủ giãn cách triệt để. Đó cũng là một sự đồng lòng. Đồng lòng hành động cho tình thế dịch bệnh không tiếp tục xấu hơn, không rơi vào tình huống xấu nhất do dịch bệnh gây ra. Tôi nghĩ, tất cả cũng để cho thành phố sớm trở lại bình thường, cho thành phố mau khỏe lại, để ai đến nơi này cũng đều được yêu thương.
Hiện vẫn còn hàng chục ngàn bệnh nhân Covid-19 đang được tiếp tục điều trị trong các bệnh viện của thành phố. Áp lực gia tăng số ca nhiễm bệnh vẫn chưa vơi bớt. Áp lực ấy thật sự khổng lồ, đè nặng lên nhiều phía. Y bác sĩ tuyến đầu vẫn suốt ngày đêm căng mình cứu chữa. Lực lượng hậu cần bao gồm công an, quân đội, công chức, viên chức, tình nguyện viên... cũng đã và đang được huy động tổng lực.
15 ngày tới Sài Gòn dần khỏe lại hay không, và mỗi ngày sắp tới có vơi hẳn đi những ca nhiễm phát sinh từ các hành vi không tuân thủ quy định phòng chống dịch hay không, tôi nghĩ, vai trò tích cực của cộng đồng rất lớn, quyết định thành quả chung đạt được. Dịch chỉ có thể bị dập tắt khi tất cả đồng lòng thực hiện các biện pháp phòng chống.
“Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời/Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui/Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận/Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng”. Tôi đã có và vẫn đang giữ vững một niềm tin mãnh liệt như thế!
Nguồn: Nguyên Phú/Báo Thanh Niên