Bình Dương khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó trên 150.000 ca COVID-19 - Ảnh: Báo Bình Dương
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng Kế hoạch ứng phó của ngành, lĩnh vực khi số ca nhiễm lũy kế trên 150.000 ca. Con số này tương đương với khoảng 100.000 giường điều trị thực tế.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tính toán cụ thể nhu cầu đáp ứng nguồn lực, nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, phương án quản lý, huy động, điều phối nguồn lực, và tổ chức thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng Kế hoạch chung của tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó khi số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh lũy kế trên 150.000 ca.
Được biết, dự báo trong 2 tuần tới, số ca F0 của tỉnh sẽ tăng thêm 50.000 ca do tỉnh đang tập trung xét nghiệm tìm F0 lần 3, nâng tổng số ca bệnh lên trên 120.000 người.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, Bình Dương đang triển khai thực hiện “khóa chặt, đông cứng” 15 ngày đối với 15 phường “vùng đỏ đậm đặc” theo nguyên tắc khóa chặt 24/24 giờ, không cho người dân ra khỏi nhà; thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, cách ly tuyệt đối “người với người, nhà với nhà…”.
Tỉnh đã khẩn trương điều phối cho các địa phương “vùng đỏ” để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; kiểm tra thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh; bố trí lại, mở rộng các khu cách ly để tiếp nhận F0 qua sàng lọc; bố trí các trạm y tế di động cho 11 phường “khóa chặt, đông cứng”. Tỉnh thực hiện điều phối, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày cho người dân; tiếp tục “xanh hóa” các địa phương theo mô hình 3 xanh: “Nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh”.
Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn các tỉnh phía nam, cho biết trước mắt sẽ điều động 2.000 quân nhân tham gia công tác phối hợp cùng các lực lượng địa phương để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, Bộ Quốc phòng sẽ điều động 50 trạm xá di động hỗ trợ 11 địa phương “vùng đỏ” của tỉnh và 15 xe cứu thương để tỉnh điều phối phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh đạt kết quả tốt hơn.