Bình Dương lập Trạm Y tế lưu động trong nhà xưởng Ảnh: HƯƠNG CHI
5 ngày tổng lực tách F0 khỏi cộng đồng
Ông Nguyễn Văn Lợi-Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết đã yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện đồng loạt các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện xét nghiệm trong vòng 5 ngày (từ 23 đến 27/9) phải bóc tách hết F0 trong cộng đồng, không để tình trạng F0 xuất hiện rải rác.
Bình Dương quyết tâm đến ngày 30/9 “xanh hóa” toàn bộ, địa phương trở lại trạng thái bình thường mới. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, Bình Dương yêu cầu các địa phương thực hiện phong tỏa hẹp ở những “điểm đỏ”. “làm đến đâu, sạch đến đó, có như vậy mới kiểm soát được tình hình dịch”, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nói.
Lập trạm y tế tại cơ sở sản xuất
Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho hay, để thực hiện hiệu quả xét nghiệm thần tốc, kịp thời bóc tách F0, ngành chức năng chuyển hướng sang phương án xét nghiệm 1,2,3 (ngày 1 ngày 2 và ngày 3) thay cho từ phương án 1,3,5 (ngày 1 ngày 3 và ngày 5 ) . Song song với việc loại F0 ra khỏi cộng đồng ở “vùng đỏ”, “điểm đỏ”, các địa phương kiểm soát chặt chẽ “vùng xanh”, tránh xảy ra ổ dịch mới khi nới lỏng giãn cách.
Tính đến nay, Bình Dương đã đưa vào hoạt động 2 Trạm y tế lưu động đặt tại nhà xưởng của doanh nghiệp trên địa bàn TX Tân Uyên, một trong những địa bàn “nóng” nhất về tình hình dịch bệnh. Các trạm y tế này có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nghi mắc COVID-19 tại các công ty; thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp trong cụm công nghiệp; xét nghiệm COVID-19; phối hợp triển khai tiêm vắc -xin phòng COVID-19; tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch trong doanh nghiệp.
Cùng với đó, trạm tổ chức khám, điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mãn tính cho người lao động, công nhân; khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, người lao động.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết, địa phương đã thành lập 26 trạm y tế ở các xã, phường và tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Trạm y tế lưu động ra đời để người dân, người lao động được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho hay, địa phương triển khai đồng loạt trạm y tế lưu động và tính đến nay đã thành lập gần 150 trạm. Nhân sự đảm nhiệm ở các trạm này từ các nguồn công lập, tư nhân, về hưu và tình nguyện viên với khoảng 1.300 người.
“Ngoài cơ sở y tế cố định, để người dân, người lao động được tiếp cận nhanh nhất với y tế thì cần phải bao phủ hoạt động của trạm y tế lưu động trong cả cộng đồng và tại các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp”, ông Lợi nhấn mạnh.