Áp lực từ đối tác
Cuối tháng 8, Công ty TNHH May mặc Dony đã phải nộp danh sách bổ sung nhân lực sản xuất "3 tại chỗ". Dù 100% lao động của doanh nghiệp còn ở lại TP. Hồ Chí Minh và 95% lao động đã tiêm 1 mũi vắc-xin nhưng không thể huy động nhiều hơn công nhân đến làm việc. Giám đốc công ty - ông Phạm Quang Anh - cho biết, hiện doanh nghiệp chỉ có 1/3 công nhân tham gia sản xuất, đạt khoảng 20% công suất.
"Tiến độ giao hàng của doanh nghiệp đã trễ một tháng so với hợp đồng. Các nhà mua hàng thông cảm với tình huống của nhà sản xuất nhưng ở châu Âu vẫn làm việc bình thường, khách hàng không thể chờ thêm và yêu cầu phía nhà sản xuất phải đưa ra một lịch hẹn cụ thể, nếu không đảm bảo sẽ chuyển đơn hàng sang quốc gia khác"- ông Phạm Quang Anh cho hay.
Doanh nghiệp dệt may đối diện với nhiều khó khăn do thiếu nguyên, phụ liệu |
Còn với May 10, Tổng giám đốc Thân Đức Việt thông tin, DN luôn nhận được câu hỏi từ phía đối tác: Bao giờ Chính phủ kiểm soát được dịch? Bao giờ May 10 sản xuất ổn định, hoặc tỷ lệ sản xuất ổn định là bao nhiêu?. Từ tháng 7 đến nay, May 10 phải làm một báo cáo chưa từng có trong tiền lệ, đó là báo cáo về tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người lao động. Nếu có tỷ lệ cao, đối tác sẽ đặt hàng đến quý IV/2021, quý I, II/2022, còn không, sẽ chấm dứt hợp đồng.
Đó cũng chính là tình trạng khá phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp dệt may, thậm chí có những doanh nghiệp còn chật vật hơn. Tại bức thư kêu cứu gửi tới Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9, 7 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng may mặc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phản ánh, đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản vì hầu hết các khách hàng đã thông báo hủy đơn hàng, phạt xuất hàng bằng máy bay đối với những hợp đồng đã ký. Hàng hóa phải bán theo mùa, khách hàng không thể tiếp tục chờ đợi trong vô vọng. Bản thân các nhà sản xuất cũng đã mua nguyên vật liệu sản xuất với chi phí lên hàng ngàn tỷ đồng.
Nghiêm trọng hơn, hiện tại đang là thời điểm phát triển mẫu cho mùa sau nhưng doanh nghiệp đã không thực hiện được. Có nghĩa, sang năm 2022 các doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng để duy trì hoạt động. Để lấy được 1 đơn hàng doanh nghiệp phải đầu tư và phát triển mẫu trước ít nhất 6 tháng và phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ, nếu để mất một mùa thì sẽ mất luôn khách hàng và thị trường.
Vẫn chờ vắc-xin
Trước những thử thách trên, các doanh nghiệp đã đề nghị, Chính phủ quan tâm và có biện pháp giải cứu. Trong đó, ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động của doanh nghiệp; ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vắc-xin để tiêm cho người lao động, sớm đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng và phục hồi sản xuất.
Theo Tổng giám đốc May 10, hiện vắc-xin nội địa không được phê duyệt khẩn cấp, cần rút ngắn quy trình này lại, trong bối cảnh vắc-xin nhập khẩu không đủ. Nếu không có vắc-xin, dù Chính phủ đưa ra giải pháp sống chung với dịch, chắc chắn sản xuất của doanh nghiệp khó có thể ổn định.
Trước sức ép của dịch bệnh, dù muốn hay không, doanh nghiệp cũng bắt buộc phải tiến hành chuyển đổi số, linh hoạt trong sản xuất. Đối mặt với khó khăn, mỗi doanh nghiệp dệt may có cách riêng để "sống". Với Dony, để giảm áp lực giao hàng, doanh nghiệp đã chuyển một phần đơn hàng sang các đối tác ở miền Trung – khu vực ngoài vùng nóng để sản xuất.
Tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc giảm 9,2% so với cùng kỳ, một số doanh nghiệp dệt may trong nước đang lo thiếu đơn hàng cho sản xuất trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022. |
Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương Online