Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 10 tháng năm 2021 ngành dệt may đã đạt 32 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi đạt gần 4,5 tỷ USD, dự kiến đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%; xuất khẩu vải các loại đạt 2 tỷ USD, dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin: Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, người lao động tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã quay trở lại nhà máy làm việc với tỷ lệ 92 - 93%. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, tận dụng tối đa thời gian để hoàn thiện các đơn hàng.
Năm 2021, xuất khẩu dệt may dự kiến về đích với khoảng 38 tỷ USD
Với Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, mặc dù từ đầu tháng 10, doanh nghiệp đã dần bỏ hình thức làm việc “3 tại chỗ”, doanh thu được cải thiện nhưng chi phí sản xuất và quản lý vẫn còn cao so với cùng kỳ. Cùng đó, số công nhân quay lại làm việc trong 2 tuần đầu tháng 10 chỉ đạt khoảng 86% nên năng suất chưa hồi phục so với trước đại dịch, dẫn tới biên lợi nhuận của mảng sản phẩm may chưa đạt kỳ vọng. Dù vậy, doanh thu 10 tháng của doanh nghiệp vẫn tăng 19% so với tháng 10/2020 và tăng 46% so với tháng 9/2021.
Thị trường xuất khẩu của Thành Công vẫn khá ổn định, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất 29,16% tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 28,54%, Nhật Bản chiếm 15,31% và Trung Quốc khoảng 10%.
Về đơn hàng, Thành Công đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý II/2022. Hiện công ty đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu tháng 3/2022 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022. Doanh nghiệp cũng đã hoàn tất việc đánh giá nhà máy và ký kết hợp đồng với một đối tác của Mỹ, kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại đơn hàng lớn.
Theo dự báo của nhiều tổ chức, năm 2022 thị trường dệt may thế giới có nhiều khởi sắc và hồi phục thấy rõ. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu của 5 thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam sẽ trở về ngang bằng mức của năm 2019- thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, trong đó, thị trường Mỹ là khoảng 119 tỷ USD, EU 249 tỷ USD, Nhật Bản 40 tỷ USD, Hàn Quốc 17 tỷ USD và Trung Quốc 32 tỷ USD.
Với những dự báo khả quan trên, năm 2022, ngành dệt may dự kiến đạt khoảng 43 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu này, theo ông Vũ Đức Giang, các doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng tiêu dùng, tập trung vào các thị trường quan trọng như Mỹ, thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU để tiếp tục tận dụng lợi thế từ các thị trường này. Cùng đó, việc sử dụng bông và nguyên liệu đầu vào minh bạch cần được tiếp tục đẩy mạnh. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đó là thực hiện trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với người tiêu dùng, nhãn hàng và môi trường … Điều này không chỉ giải quyết mục tiêu xuất khẩu mà còn là nền tảng để thực hiện chương trình xanh hóa và phát triển bền vững của ngành dệt may.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Mạnh Hùng – Trưởng Đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam cũng - cho biết: Ngành dệt may và thời trang thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các nhãn hàng ngày càng chú trọng đến các nguyên liệu vừa mang tính thời trang, vừa thân thiện với môi trường. Bông là nguyên liệu rất tốt cho môi trường, tuy nhiên, phải là bông được trồng theo quy trình dùng ít tài nguyên như đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu. Đến năm 2025, nhiều nhãn hàng chuyển qua sử dụng bông bền vững, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp đi theo sẽ mất lợi thế cạnh tranh.
Trước thông tin một số nhãn hàng lớn đã di chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam, tại buổi họp báo giới thiệu Cotton Day Vietnam 2021 - Diễn đàn đặc biệt về bông bền vững, ông Vũ Đức Giang khẳng định là không chính xác.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đáp ứng được tiến độ giao hàng nên có một số lượng nhất định đơn hàng giao tháng 11,12 phục vụ Tết năm 2022 được chuyển đi, ước tính khoảng 13 - 14%. Tuy vậy, có dấu hiệu các đơn hàng quay lại trong niên vụ 2022 kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Nguồn: Việt Nga/ Báo Công Thương Online