Theo nhà dịch tễ học từng tham gia nhóm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giúp xóa sổ bệnh đậu mùa, con người khó đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng khi đối mặt với biến chủng Delta có thể lây lan nhanh gấp đôi, gấp ba so với chủng ban đầu.
“Trừ khi chúng ta tiêm chủng cho tất cả người dân ở hơn 200 quốc gia trên thế giới, bằng không sẽ vẫn có những biến chủng mới”, South China Morning Post dẫn lời tiến sĩ Larry Brilliant.
Tiến sĩ Larry Brilliant phát biểu tại một hội thảo ở Beverly Hills, California. Ảnh: Reuters.
Ông đề xuất các cơ quan y tế nên thay đổi và thực hiện chiến lược “tiêm chủng vòng”. Chiến lược này được đưa ra bởi William Foege, đồng nghiệp của Brilliant, và từng được áp dụng ở Ấn Độ để giải quyết căn bệnh đậu mùa.
Tiến sĩ Brilliant cho biết nhiều vùng nông thôn ở Ấn Độ không có phương tiện bảo quản vaccine thích hợp, vì vật nó đòi hỏi phải có cách quản lý tiêm vaccine hiệu quả để tránh lãng phí nguồn lực, tập trung ngăn chặn dịch bệnh.
Các bác sĩ sẽ ưu tiên tiêm cho những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh và nhóm tiếp xúc gần với họ, thay vì tiêm hết cho tất cả người dân.
“Chúng tôi từng gọi biện pháp này là kiểm soát dịch tễ học có chọn lọc, và ở Ấn Độ, chúng tôi xem đó là giám sát và ngăn chặn. Nó đã loại bỏ một căn bệnh có lẽ đã bắt đầu từ 10.000 năm trước”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng khó áp dụng biện pháp này vì người bị nhiễm bệnh đậu mùa hoặc Ebola có các triệu chứng rõ ràng giúp xác định và cách ly, trong khi khoảng 40% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng.
Bên cạnh đó, “thời gian ủ bệnh quá ngắn, mà vaccine cần thời gian để tạo ra phản ứng hiệu quả”, tiến sĩ Siddharth Sridhar, thuộc Đại học Hong Kong cho biết.
Dẫu vậy, theo Tiến sĩ Larry Brilliant, mặc dù không hoạt động hiệu quả ở mọi nơi, các nghiên cứu và báo cáo đã thuyết phục ông rằng “tiêm chủng vòng” vẫn có thể áp dụng cùng các phương pháp khác.
Là cựu phó chủ tịch của Google, tiến sĩ Brilliant cũng coi công nghệ là yếu tố quan trọng trong việc theo dõi các đợt bùng phát của Covid-19.
Ngoài ra, ông cho biết xét nghiệm nước thải có thể phát hiện ra virus, cho dù từ người mắc có triệu chứng hay không có triệu chứng. Và bên cạnh việc sử dụng chó, các nhà nghiên cứu tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tễ London đang phát triển thiết bị đánh hơi kỹ thuật số, được sử dụng để phát hiện “mùi Covid-19”.
“Một số người có ý tưởng rằng người mắc Covid-19 có mùi hương đặc trưng riêng", ông Brilliant nói. “Tôi vẫn hoài nghi, nhưng bạn biết đấy, chúng ta phải thử mọi thứ”.
Nguồn: Minh An/ Zing News