Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn phía trước gắn với sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu và cả nước, song có nhiều động lực mới đang và sẽ hỗ trợ quá trực tiếp và gián tiếp cho quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trước hết, động lực đến từ sự kế tục thành quả các quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như từ các giải pháp hiệu quả cao kiềm chế dịch Covid-19 trong nước; nhờ vị thế điểm đến hàng đầu Đông – Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc; chính sách tài khóa, nợ công linh hoạt và hiệu quả.
Năm 2021, Việt Nam vẫn duy trì được lượng dự trữ ngoại hối tăng cao; tiền tệ ổn định, lạm phát thấp (CPI bình quân năm tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016). Tổng thu NSNN bằng 113,4% và tổng chi bằng 109% dự toán năm. Năng suất lao động xã hội cả nước vẫn tăng 4,71% (giá so sánh). Thị trường tài chính ghi nhận sự khởi sắc ấn tượng, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng 28,6%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì có tới 75% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong trong quý IV/2021 ổn định và tốt hơn so với quý III/2021 và hơn 81% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 sẽ tốt lên so với quý IV/2021. Việt Nam được ghi nhận là một trong 6 nước thành công nhất trong phủ rộng tiêm vacxin miễn phí cho người dân cả nước.
Báo cáo Rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO đã ghi nhận trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019 và lọt vào Top 20 năm 2021.
Việc tuân thủ các cam kết hội nhập cũng giúp Việt Nam cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng khác và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, năm 2021 Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát. Hơn nữa, năm 2021 Việt Nam tiếp tục được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á, giống như năm 2018 và 2019; Đồng thời, được vinh danh là Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được vinh danh là Điểm tham quan hàng đầu châu Á; TP Hội An (Quảng Nam) là Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á và Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) được vinh danh Công viên quốc gia hàng đầu châu Á.
Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới trong năm 2020, khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD; từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia của Brand Finance (hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập hàng đầu của Anh).
Đặc biệt, với điểm tổng thể của Việt Nam là 61,7/100 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới), Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giớitheo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021, gồm 12 tiêu chí: Nhà nước pháp quyền (quyền tài sản, tính liêm chính của chính phủ, hiệu lực tư pháp); Quy mô chính phủ (chi tiêu chính phủ, gánh nặng thuế, sức khỏe tài chính); Hiệu quả quản lý (tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ); Thị trường mở (tự do thương mại, tự do đầu tư, tự do tài chính).) của Heritage Foundation (Mỹ). Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm trước, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế.
Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, được Brand Finance công bố tại “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu” ngày 25/2/2021 (giờ Việt Nam). Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng từ vị trí 88 vào năm 2016 lên 57 vào năm 2018 và 49 vào năm 2020 trong đánh giá của Liên hợp quốc.
Năm 2021, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) – cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, xếp thứ 44, tức nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này.
Đặc biệt, Việt Nam đang và sẽ kỳ vọng vào động lực mới gia tăng từ các xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới về hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí… hướng mạnh đến mục tiêu năm 2025 cả nước có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, với ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỉ USD; có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên một tỉ USD; ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang “Make in Viet Nam”, tức làm sản phẩm tại Việt Nam, đạt trên 45%.
Động lực mới còn được kỳ vọng vào Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được Quốc hội thông qua chiều 11/1/2022, với tổng quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỉ đồng (trong đó, hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỉ đồng; hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỉ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác gần 10.000 tỉ đồng và một số khoản khác).
Ngoài ra, cần chủ động các giải pháp cần thiết, chống tham nhũng, lãng phí, nhằm sử dụng các nguồn lực hiệu quả và kiểm soát an toàn nợ công, lạm phát và nợ xấu khi tăng bội chi ngân sách nhà nước (trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm, tối đa 240 nghìn tỉ đồng), nới lỏng chính sách tiền tệ và cơ cấu lại nợ…
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, động lực phát triển năm 2022 được hội tụ từ việc kích thích cả tổng cung và tổng cầu; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cả về thể chế hành chính, tín dụng và tài chính cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế. Tiếp tục cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt…; đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, đáp ứng và khai thác các cơ hội mới từ các FTA quan trọng (như CPTPP, EVFTA); khuyến khích các mô hình kinh tế mới và mở rộng không gian kinh tế trong nước và tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu; Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch; Gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam; chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc quyết định vào sự chủ động chỉ đạo thống nhất, sự phối hợp đồng bộ, hài hòa các giải pháp hỗ trợ toàn diện, thích hợp, kịp thời, hiệu quả từ tất cả các cấp, ngành đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị; từ sự nỗ lực, tuân thủ chung trong chiến lược quốc gia kiểm soát, thích ứng dài hạn với dịch bệnh và từ năng lực ứng chịu, tự lực tự cường vượt qua các khó khăn, thách thức của từng người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
Dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế-xã hội chưa có tiền lệ, đòi hỏi chúng ta cũng phải có những tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ; phối hợp hài hoà cả bàn tay Nhà nước và bàn tay thị trường, coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, sự hợp tác toàn cầu nhiều hơn, nhằm đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các nguồn lực, tăng cường dự báo, thông tin, giữ vững lòng tin, hài hòa lợi ích, tránh cực đoan trong nhận thức và hành động vượt qua khủng hoảng… Phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025: tăng trưởng bình quân 6,5 – 7%/năm, lạm phát dưới 4%; các chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%… |
Bài TS.Nguyễn Minh Phong/Vinatex Online