Nhiều bệnh viện tại TPHCM đang quá tải điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: P.V
Mỏi mòn chờ vào viện
Đang bị kẹt lại trong khu vực phong tỏa, hơn một tuần trước chị Lê Trang ngụ tại quận 12 choáng váng nhận được thông tin từ em trai cho biết bố, mẹ đã lớn tuổi lại có bệnh lý nền cao huyết áp, tiểu đường mắc COVID-19. Sau khi tìm kiếm hàng loạt thông tin, chị vui mừng xem được video bác sĩ hướng dẫn tập thở và chăm sóc F0 tại nhà trên báo Tiền Phong online.
Nhưng nỗ lực vừa tập thở vừa tăng cường vận động và ăn uống cũng không thể chiến thắng được sự tấn công dữ dội của virus. Ba ngày qua, bố chị là ông Lê Định khó thở, cả nhà ngồi trên đống lửa.
"Hai ngày qua, tình trạng sức khỏe của bố, mẹ tôi ngày càng xấu, chỉ số ôxy máu của bố chỉ còn hơn 80%, mẹ thì khá hơn nhưng cũng chỉ được hơn 90%. Chúng tôi liên tục gọi điện nhờ y tế địa phương hỗ trợ nhưng họ nói “cố gắng chờ”. Trung tâm Cấp cứu 115 nói chờ để điều phối, nhưng chờ gần 2 ngày rồi, bố tôi giờ liên tục khó thở, chẳng biết có qua nổi hay không”, chị Trang lo lắng nói.
Cùng hoàn cảnh, chị Lê Phương Thảo ở quận Bình Tân, TPHCM có người nhà mắc COVID-19 và được yêu cầu theo dõi tại nhà. Hai ngày qua, người thân của chị có biểu hiện diễn tiến nặng, phải thở ôxy. Sáng 10/8, gia đình gọi xe cứu thương nhưng không được, chị Thảo phải thuê chiếc xe ba gác để chở người thân đến Bệnh viện quận Bình Tân xin nhập viện. Tuy nhiên, do số lượng người xếp hàng chờ làm thủ tục nhập viện quá đông, chị phải cho người thân đứng ngoài đường chờ gần nửa ngày vẫn chưa đến lượt...
Người bệnh không nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn y tế kịp thời là thực tế khá phổ biến tại hầu khắp các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức.
BSCKII Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận, có những thời điểm đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ người bệnh bị nghẽn. Số ca bệnh tăng cao nên các bệnh viện tuyến quận, huyện, cơ sở thu dung điều trị đang phải căng mình để đáp ứng với mục tiêu tiếp nhận cấp cứu cho tất cả các trường hợp cần hỗ trợ.
“Có những tình huống ngoài ý muốn, sở y tế tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng bất cập trong hỗ trợ F0 tại nhà và sẽ chấn chỉnh, không để bệnh nhân F0 đang được chăm sóc điều trị tại nhà đơn độc”, BS Nam nói.
Bệnh viện mở đến đâu quá tải đến đó
Ngành y tế đã tổ chức phân tầng cả hệ thống y tế công lập và các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị chia làm 5 tầng. Tầng cao nhất điều trị cho các ca bệnh nặng và nguy kịch. Khi số ca bệnh tăng cao, F0 không có triệu chứng được cách ly theo dõi chủ động ở gia đình nhằm giảm áp lực quá tải cho hệ thống điều trị. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở tất cả các tầng từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng và nguy kịch.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Ðức có 500 giường nhưng trên thực tế đến 10/8 các bác sĩ phải căng mình để điều trị gần 600 bệnh nhân. Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ tăng công suất lên 700 giường và tiếp tục tăng lên 1.000 giường. Khó khăn về trang thiết bị cơ bản đã được giải quyết, nhưng khi nâng công suất lên gấp đôi so với hiện nay, phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhân sự từ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên vệ sinh đến hậu cần”.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Thu dung Điều trị COVID-19 số 3 cho hay: Bệnh viện được giao nhiệm vụ tiếp nhận F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà và F0 có triệu chứng đặt tại Ký túc xá trường Cao đẳng Công thương quy mô 800 giường; ký túc xá Đại học Sư phạm Kỹ thuật cơ sở 2 trên đường Lê Văn Việt quy mô 1.500 giường nhưng đến nay đều đã hết công suất. Tại Bệnh viện Dã chiến số 3 hơn 2.400 bệnh nhân thuộc phân tầng 3 nhóm có biểu hiện bệnh lý mức độ trung bình, đến nay đã không còn chỗ trống.
Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn điều trị COVID-19 cho khu vực Tây Bắc của TPHCM quy mô 500 giường cũng không còn chỗ. BS Đặng Quốc Quân, Giám đốc bệnh viện cho biết, hiện nhà để xe của bệnh viện được sử dụng thêm 200 giường. “Nhân lực vẫn không tăng thêm, trang thiết bị còn hạn chế nhưng tăng số giường với hy vọng cứu chữa được càng nhiều người càng tốt”.
Bác sĩ Phạm Trần Chí (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị khoảng 100 bệnh nhân COVID-19, mỗi kíp trực chỉ có 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng nhưng phải chăm sóc 40 đến 50 bệnh nhân nặng, phải làm việc 12 giờ/ca trực.
Nguồn: Vân Sơn - Ngô Bình/ Báo Thanh Niên