“Bác sĩ giờ cũng có thể làm công việc của điều dưỡng, điều dưỡng thì làm cả công việc của hộ lý, không phân biệt là nhiệm vụ của người nào với người nào nữa, hỗ trợ được với nhau thì hỗ trợ. Có những lúc báo động bệnh nhân ngưng thở, chúng tôi cùng chạy lên. Bây giờ là thành một khối, làm sao giảm thiểu được, có gắng gồng gánh với nhau mà làm”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Có mặt từ những ngày đầu chuẩn bị cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Huỳnh Quang Đại, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ở đây không chỉ áp lực về mặt chuyên môn mà cả số lượng lớn bệnh nhân nặng rất lớn. Khi vừa thiết lập được xong một khoa phòng thì có ngay bệnh nhân vào và lại phải thiết lập một khoa mới. Nhân sự ở đây đều dốc sức, mỗi ngày làm việc từ sáng sớm đến 11-12h đêm. Các y bác sĩ vừa phải đảm bảo cấp cứu số lượng bệnh nhân tăng nhanh vừa kiểm soát phòng chống nhiễm khuẩn, cực kỳ căng thẳng.
“Đánh chặn từ xa”
Theo Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Bệnh viện Chợ Rẫy có hơn 10 bác sĩ hồi sức thì đã cử 50% lực lượng đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Để đáp ứng được yêu cầu, các bác sĩ hồi sức phối hợp các chuyên khoa khác và chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 gồm các bác sĩ hồi sức trưởng tua, hỗ trợ chuyên môn chung; nhóm 2 là bác sĩ liên quan hồi sức như cấp cứu, gây mê..., nhóm thứ 3 là bác sĩ chuyên khoa nội, ngoại.
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại cho biết, với chủng Delta, bệnh nhân suy hô hấp rất nhanh, bệnh nặng rất nhiều, ngay cả người trẻ cũng tiến triển rất nặng, có trường hợp bệnh nhân mới 28 tuổi.
Ngay trong đêm 20/7, ekip của bệnh viện đã đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương kịp thời can thiệp ECMO cứu một bệnh nhân bị suy hô hấp rất nặng, đến 4h sáng mới trở về. Vì hiện nay có nhiều bệnh nhân nặng ở nhiều nơi, nếu không được can thiệp sớm sẽ dẫn đến tử vong, lực lượng phải chia ra để đi hỗ trợ ngoại viện.
“Anh Linh là trưởng đoàn Chợ Rẫy giữ điện thoại đường dây nóng, một ngày nhận hàng trăm cuộc điện thoại, chuông reo liên tục. So với các đợt trước như ở Quảng Nam, Đà Nẵng hay vừa qua ở Bắc Giang thì cường độ lần này dữ dội hơn rất nhiều”, bác sĩ Huỳnh Quang Đại thông tin.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19, khi bệnh viện hoạt động hết công suất cần có tổng cộng 340 bác sĩ và 1.200 điều dưỡng, được huy động từ các bệnh viện: Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Ung bướu TP.HCM và nhân sự từ các địa phương theo sự điều động của Bộ Y tế.
Ngoài việc cấp cứu và điều trị tại chỗ, Bệnh viện Chợ Rẫy còn điều động 4 bác sĩ hồi sức trực thường xuyên tại các Bệnh viện Covid-19 cấp 3 (gồm các bệnh viện Trưng Vương, Phạm Ngọc Thạch, đa khoa khu vực Thủ Đức, An Bình), có nhiệm vụ theo dõi sát tình trạng bệnh nhân, chỉ cần có dấu hiệu nặng là chuyển bệnh ngay. Như vậy sẽ giúp chủ động hơn trong việc phát hiện bệnh nhân nặng, vận chuyển bệnh nhân một cách an toàn.
Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết, từ khi thành lập đến nay, liên tiếp nhiều bệnh nhân rất nặng được chuyển tới. Sau 6 ngày, 106 bệnh nhân đã chuyển từ cấp độ nặng sang nhẹ. Đây chính là động lực rất lớn cho nhân viên y tế suốt những ngày qua.
“Mấu chốt rất quan trọng là mình phải đánh chặn, không để cho bệnh nhân chuyển nặng. Để làm được điều đó thì đòi hỏi sự cố gắng của bác sĩ rất là nhiều. Anh em phải cố gắng nhiều hơn nữa. Cho nên anh em xác định bác sĩ khổ thế nào cũng được, miễn sao bệnh nhân khỏe là được”, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chia sẻ.
Ngày 17/7 vừa qua, Bộ trưởng Y tế đã thành lập khẩn cấp kho dã chiến phía Nam nhằm huy động toàn bộ trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 toàn quyền điều động trang thiết bị trong kho này, không cần xin ý kiến của Bộ Y tế. Trong ngày 20/7, 30 máy thở chức năng cao được chuyển về từ kho dã chiến đã cấp cứu kịp thời 30 bệnh nhân nguy kịch. Với sự hỗ trợ của trang thiết bị, các y bác sĩ, nhân viên y tế đang dốc hết sức mình, quyết tâm làm tất cả những gì có thể để cứu sống bệnh nhân./.
Viết bình luận