Dù tăng cường số lượng nhân viên 20 đến 30 người chia 3 ca, trực 24/24 giờ, nhưng lượng cuộc gọi đến tổng đài rất cao, chủ yếu cần trợ giúp liên quan đến COVID-19 |
Gọi 100 cuộc đều...bận
“Mình gọi đường dây nóng 1022 cả 4 ngày này hơn 100 cuộc rồi, tất cả cuộc gọi đều báo bận… bận và bận. Mình bị phong toả không đi đâu được, đặt grab cũng không được, bố mình cũng bị phong toả không đi mua thuốc được luôn. Địa phương thì không thấy ai trực ở chốt, gọi bên phường cũng không được, bố có triệu chứng khó thở và hơi sốt nhẹ, giờ chỉ xông sả và súc nước muối, thuốc hạ sốt cũng không có… mình lo lắm không biết phải làm sao” – Chị Đoàn Thị C.N. chia sẻ những khó khăn của mình trên nhóm facebook “Giúp nhau mùa dịch”.
Đây cũng là tình trạng chung rất nhiều người đang phải trải qua vì những mong muốn hỗ trợ cấp thiết họ chưa được chính quyền địa phương và những người có liên quan hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch do UBND TPHCM tổ chức chiều tối 28/7, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, có sự quá tải rất lớn của tổng đài 1022, lượng cuộc gọi nhờ hỗ trợ dồn về cùng lúc quá nhiều nên không đáp ứng kịp.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, việc tiếp nhận, xử lý thông tin người dân gặp khó khăn do COVID-19 đã được thực hiện cách đây gần một tuần, qua đầu số 1022, miễn phí cước gọi cho người dân. "Dù tăng cường số lượng nhân viên 20 đến 30 người chia 3 ca, trực 24/24 giờ, nhưng lượng cuộc gọi đến tổng đài rất cao, chủ yếu cần trợ giúp liên quan đến COVID-19'- ông Thắng nhìn nhận.
Thống kê sơ bộ của Sở này cho thấy, trong 3 ngày từ 22/7 đến 25/7, tổng đài nhận hơn 190.000 cuộc gọi và tiếp nhận, chuyển đơn vị xử lý hơn 9.700 cuộc; hơn 180.000 cuộc chưa thể tiếp nhận. Để giải quyết khó khăn, cơ quan này đang đề nghị bổ sung tổng đài viên từ Công viên phần mềm Quang Trung và các tình nguyện viên.
Áp lực đè lên đội ngũ bác sĩ khi TPHCM ghi nhận đến hơn 700 ca bệnh nặng và nguy kịch đang điều trị- ảnh Vân Sơn |
Để giải quyết tình trạng quá tải trên, ông Lâm Đình Thắng cho biết, đơn vị đang phối hợp với VNPT huấn luyện hệ thống callbot (trí tuệ nhân tạo) hoạt động như một tổng đài viên ảo, có thể tiếp nhận 3.600 cuộc gọi mỗi giờ để hỗ trợ người dân. Hệ thống này dự kiến hoạt động trong vài ngày tới. "Chúng tôi đã làm việc với đối tác yêu cầu hỗ trợ số lượng tổng đài viên. Sau quá trình tập huấn chuyên môn, tổng đài viên sẽ trực tổng đài 1022 đáp ứng nhu cầu trợ giúp người dân".
Quá tải hệ thống tổng đài cũng xảy ra ở Trung tâm cấp cứu 115 đóng tại công viên phần mềm Quang Trung. Ông Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, đơn vị có 6 đường truyền, trước đây mỗi ngày tiếp nhận 1.200 cuộc gọi. Tuy nhiên, trong tuần qua tổng đài tiếp nhận hơn 5.000 cuộc gọi mỗi ngày. Đơn vị đang kêu gọi sinh viên tham gia hỗ trợ, khi số lượng khoảng 100 người có thể chia thành 3 cấp, đáp ứng 40 cuộc gọi cùng lúc.
Áp lực điều trị nhóm bệnh nhân COVID-19 nặng
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 tăng cường, yêu cầu tất cả mọi người hạn chế tối đa ra đường sau 18 giờ hàng ngày. “Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có thêm vài nghìn ca bệnh mới phát hiện, để đáp ứng điều trị trước tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, thành phố đang phải mở thêm các bệnh viện nhằm đảm bảo chăm sóc, chữa trị cho người bệnh hạn chế tối đa số ca tử vong”- ông Đức nói.
Trước thực tế trên, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM thẳng thắn nhìn nhận: “Áp lực của ngành y tế hiện nay rất lớn, các bệnh viện gần như đã đầy công suất, có những lúc bệnh viện đã quá tải. Chúng tôi đang phải rà soát lại để các tầng điều trị được bố trí khoa học, kịp thời, nhuần nhuyễn hơn, Thời gian tới thành phố sẽ thi công thêm các bệnh viện ở tầng 3 và tầng 4 để thu dung, đáp ứng điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng”.
Trong 3 ngày từ 22/7 đến 25/7, tổng đài nhận hơn 190.000 cuộc gọi và tiếp nhận, chuyển đơn vị xử lý hơn 9.700 cuộc; hơn 180.000 chưa thể tiếp nhận. |
Theo ông Mãi, hiện nay số lượng F0 trên địa bàn thành phố đã rất cao, việc cách ly ở cơ sở tập trung vượt quá sức đáp ứng. Thành phố đã quyết định chuyển hướng chiến lược tổ chức cách ly F1, cách ly F0 tại nhà. Các bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19 sẽ tiếp nhận những trường hợp biểu hiện nặng, có bệnh nền. F0 cách ly tại nhà là giải pháp để giảm áp lực cho cơ sở thu dung, điều trị.
Thành phố đang thiết lập mạng lưới hỗ trợ tư vấn, chăm sóc y tế và giám sát y tế cho những trường hợp cách ly tại nhà giúp họ an tâm theo dõi sức khỏe của bản thân và người thân. Ông Mãi nói: “Mạng lưới tư vấn online của cộng đồng là các giáo sư, bác sĩ sẽ hỗ trợ tư vấn và theo dõi số lượng F0 cụ thể hàng ngày, đảm bảo F0 dù ở nhà hay trong cơ sở thu dung đều được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe hợp lý và hỗ trợ y tế kịp thời”.
Khoảng 30% bệnh nhân cần chăm sóc y tế
Các chuyên gia y tế nhận định, khoảng 70- 80% những người mắc bệnh đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, 20- 30% cần chăm sóc y tế, trong đó có những ca bệnh nặng cần được chăm sóc chuyên sâu. Lãnh đạo thành phố cho biết, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay trong cuộc chiến chống dịch của thành phố là tập trung cho công tác điều trị. Ngành y tế thành phố đã có chủ trương huy động y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến tham gia điều trị tầng 3 và tầng 4, tăng cường trang thiết bị y tế cho việc điều trị, sắp xếp liên thông các tầng điều trị để chuyển viện kịp thời, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.