Ở thời điểm cuối tháng 4, không nhiều người có thể tưởng tượng được tầm ảnh hưởng và hậu quả mà dịch Covid-19 cũng như biến chủng Delta của SARS-CoV-2 sẽ gây ra cho Việt Nam đến lúc này.
Một trong những thành phố lớn, có mật độ dân cư lớn nhất của cả nước là TP.HCM lại trở thành tâm dịch với hàng loạt ca nhiễm mới, kéo theo đó là tỷ lệ tử vong đáng báo động cũng như những sự thay đổi trong cuộc sống của từng người dân.
Không phải ngoại lệ khi dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia cũng đang có những diễn biến phức tạp, sau thời gian dài giãn cách xã hội, Việt Nam sẽ bắt đầu nới lỏng dần các quy định để người dân sớm quay trở lại trạng thái bình thường mới với định hướng chung sống thích ứng an toàn với SARS-CoV-2.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam cần hướng tới việc sống chung với dịch an toàn và dần nới lỏng với lộ trình cụ thể.
- Theo ông, trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam sẽ lên kế hoạch sống chung với dịch như thế nào?
- Hiện tại, Bộ Y tế đang xây dựng lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu chung sống thích ứng an toàn với Covid-19 là phải đảm bảo an toàn, duy trì các biện pháp phòng bệnh chứ không buông xuôi.
Khi quyết định sống chung với Covid-19, đồng nghĩa Việt Nam sẽ chấp nhận việc tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới, không thể có khái niệm "Zero Covid". Song, chúng ta vẫn phải kiểm soát được dịch, không để số ca mắc tăng quá cao vì tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.
Trong điều kiện đó, khi để số ca mắc tăng cao, những trường hợp diễn biến nặng, phải nhập viện cũng nhiều hơn, gây quá tải hệ thống y tế và dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng theo.
Để đánh giá việc kiểm soát tình hình dịch, theo tôi, chúng ta có thể tính toán số ca mắc Covid-19 trên 100.000 dân/tuần dựa trên thực tế ở từng địa phương.
Ngoài ra, để kiểm soát được dịch ở thời điểm hiện tại, các địa phương vẫn phải duy trì hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để triển khai biện pháp phòng, chống kịp thời.
Cụ thể, chúng ta vẫn cần áp dụng các biện pháp phong tỏa ổ dịch, tuy vậy, cần đánh giá tốt yếu tố nguy cơ, đảm bảo "nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đó", tránh tình trạng ngoài chặt, trong lỏng hay phong tỏa quá rộng, không theo nguy cơ mà gây ảnh hưởng tới kinh tế, an sinh xã hội của người dân.
Đồng thời, người dân vẫn phải thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Việc thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
Tôi nghĩ mỗi ngành nghề, mỗi bộ ngành cần sớm xây dựng các phương án an toàn một cách phù hợp nhất. Ví dụ, thời gian tới, người dân sẽ tham gia giao thông như thế nào, doanh nghiệp tổ chức thương mại ra sao...
- Để góp phần kiểm soát tình hình dịch như vậy, ngành y tế sẽ cần làm gì, thưa ông?
- Đối với ngành y tế, chúng ta sẽ phải luôn đảm bảo số lượng giường bệnh nhất định. Khi không may dịch xảy ra, số lượng bệnh nhân phải nhập viện lớn, hệ thống điều trị lúc này sẽ không bị quá tải dẫn đến giảm trường hợp không được can thiệp y tế, từ đó gây tử vong.
Song song với đó, chúng ta cũng cần lưu ý về đội ngũ cán bộ cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực (ICU) trong thời gian tới.
Một vấn đề quan trọng khác là vaccine. Nhờ có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19 cao mà nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Đan Mạch, Singapore..., đã có thể sống chung với dịch, dừng việc giãn cách hoặc giữ ở mức độ hạn chế theo các hoạt động nguy cơ cao.
Nguyên nhân là vaccine giúp các quốc gia này đảm bảo dù số ca nhiễm nCoV vẫn cao nhưng trường hợp diễn biến nhẹ nhiều, không bị quá tải hệ thống y tế dẫn đến tỷ lệ tử vong thấp. Tại một số quốc gia khác, thậm chí họ đã coi Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu.
Trở lại với Việt Nam, vaccine Covid-19 sẽ cần được bao phủ ít nhất 70% dân số để chúng ta đạt miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, chiến dịch tiêm chủng sẽ cần ưu tiên cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền... Việc làm này nhằm phòng trường hợp dịch bùng phát, nhóm người này cũng chỉ có diễn biến nhẹ và không tử vong.
Vị vậy, Việt Nam cần nhanh chóng đảm bảo tiêm đủ 2 liều vaccine cho người dân trong thời gian tới. Khi đảm bảo được nguồn vaccine, chúng ta cũng cần sớm tiêm chủng cho trẻ em.
- Đối với các tỉnh, thành phố có diễn biến dịch phức tạp và phải giãn cách xã hội trong thời gian qua, giải pháp là gì?
- Theo tôi, các địa phương này sẽ phải đưa ra một lộ trình cụ thể với từng bước nới lỏng để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội của người dân. Đặc biệt là phải rất thận trọng khi tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam còn thấp và chưa đạt miễn dịch cộng đồng.
Việc nới lỏng vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo an toàn và không để dịch bùng phát. Nếu để tình trạng đó xảy ra, hệ thống y tế quá tải sẽ lại gây thiệt hại tới tính mạng của người dân. Lúc này, chúng ta sẽ không thể gọi đó là sống chung an toàn.
Các địa phương sẽ phải đưa ra một lộ trình cụ thể với từng bước nới lỏng trong thời gian tới.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Tôi nghĩ rằng các tỉnh, thành phố này có thể tiến tới việc đưa ra chính sách nới lỏng tại từng vùng, từng quận, huyện như TP.HCM, Bình Dương... thời gian qua.
Trong quá trình nới lỏng, một số hoạt động tụ tập đông người, gây nguy cơ bùng phát dịch vẫn có thể phải cấm hoặc tạm ngưng.
Ngược lại, một số hoạt động thiết yếu, nhu cầu về làm ăn, kinh tế của địa phương có thể cho phép hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Trong quá trình những hoạt động này diễn ra, chúng ta cũng có thể đưa ra một số biện pháp để kiểm soát.
Có thể ví dụ với dịch vụ giao hàng, các shipper cần được tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine đầy đủ trước khi được phép hoạt động. Mỗi địa phương, vùng miền, tùy tình hình dịch mà cần đưa các biện pháp phòng bệnh thích hợp. Đó là điều chúng ta buộc phải làm để thích ứng trong giai đoạn mới.
Nguồn: Quốc Toàn/ Zing News